BỜ VỰC CỦA SỰ THAY ĐỔI

BỜ VỰC CỦA SỰ THAY ĐỔI

Đã lâu chúng ta không cùng nhau bàn luận về những câu chuyện xoay quanh cuộc sống để nói về đôi nét văn hóa đặc biệt tại công ty Sapo, nét văn hóa về 6 Giá trị cốt lõi. Hôm nay hãy cùng Tổng hội trải nghiệm góc nhìn về một Giá trị cốt lõi khá quan trọng trong thị trường Công nghệ nhé! Đó là Giá trị cốt lõi số 4 - “ĐỔI MỚI LIÊN TỤC”

🤜Câu chuyện NOKIA

Có một câu chuyện khá là điển hình mà chúng ta đã được biết hoặc nghe qua từ rất lâu rồi. Đó chính là câu chuyện về “Lý do thất bại của một tượng đài điện thoại di động - NOKIA”

Thiết nghĩ, chúng ta không cần phải bàn sâu về những thành tựu mà họ đạt được. Hãy cùng nhau bàn về bản án mang tên “Không đổi mới” mà cả tập đoàn Nokia đã lãnh phải dẫn đến hậu quả sụp đổ như chuỗi domino về sau.

Một số điểm mốc thể hiện bản án này đang lớn dần từng ngày như nào nhé:

  • Đối thủ cạnh tranh dần xuất hiện:
    • Năm 2007: Apple tham gia cuộc chơi cùng tên gọi IPHONE. Nokia thẳng thắn từ chối xem Apple là mối đe dọa.
    • Năm 2008: Hệ điều hành Android ra đời, iOS của Apple dần trở nên phổ biến. Nokia phản ứng bằng việc tiếp tục sản xuất điện thoại với hệ điều hành Symbian lỗi thời.
  • Hành động chậm trễ trì hoãn với đổi mới:
    • Năm 2010: Điện thoại N97 của Nokia đã bị trì hoãn phát hành và kết quả là không thể cạnh tranh với Apple, Google khi họ trên đà tăng trưởng.
    • Năm 2011: Đối phó với thị phần giảm, lần đầu tiên chúng ta thấy sự từ bỏ của Nokia để đến với 1 điều mới - Ngừng dùng hệ điều hành Symbian và MeeGo để Hợp tác Microsoft. Nhưng đã quá chậm trễ cũng như lạc hậu để có tác dụng.

Chúng ta có gì sau câu chuyện này nhỉ:

  • Sự thích ứng và đổi mới: Mặc dù xuất phát điểm với nhiều phát minh đầu tiên như 3G, điện thoại có camera và các công nghệ cải tiến. Nhưng họ lại mắc kẹt trong cách làm cũ và không chịu thích ứng với sự thay đổi môi trường công nghệ. Để rồi từ đấy sai lầm nối tiếp sai lầm, thất bại nối tiếp thất bại.
  • Tự tin một cách thái quá: Nokia đã nghĩ rằng không có gì có thể xảy ra sai sót cho đến khi những đối thủ tiềm ẩn dần hiện ra. Thay vì nghiên cứu những ý tưởng, công nghệ mới và tìm ra cho mình hướng đi riêng thì họ lại làm ngơ mọi thứ xung quanh. Họ không coi bất cứ ai là đối thủ của mình. Điển hình như đánh giá sai tiềm năng cạnh tranh của đối thủ mới nổi như Apple, để rồi tự mãn trên những chiến thắng ảo của chính bản thân.

---------

🤜Câu chuyện HUAWEI

Có vẻ như không xa lạ khi chúng ta nhắc đến sự kiện “Cấm vận của Mỹ đối với tập đoàn Huawei”. Và ngay khi đọc được thông tin từ báo đài về sự kiện này thì bỗng chốc có 1 câu hỏi mà mình đặt ra “Vậy là Huawei ngủm luôn hay sao ta?”

Và có với góc nhìn bản thân, sự kinh ngạc có lẽ là điều đầu tiên khi thấy được sự lột xác, sự chuyển mình của Huawei khi đối đầu với các thử thách không những mới mà còn cực kỳ to lớn như vậy.

Có một số thông tin rằng, dù với lệnh trừng phạt được bắt đầu từ năm 2019, công ty chưa bao giờ thay đổi chế độ chính sách lương thưởng cho nhân viên. Và vào năm 2020, hãng vẫn đang vận hành với số lượng 197.000 nhân viên trên toàn thế giới. Và đây là một số chiến lược của Huawei trong giai đoạn thích ứng, đổi mới này:

1. Đầu tư vào các lĩnh vực không phải mảng điện thoại smartphone:

  • Nông nghiệp
  • Năng lượng tái tạo
  • Ô tô

2. Định hướng khác đối với lĩnh vực Smartphone:

  • Đầu tư và sản xuất chip
  • Tăng thành phần linh kiện Trung Quốc thay vì Mỹ trong các mẫu điện thoại mới

Có thể thấy Huawei đang chạy đua hết khả năng và mở thêm các ngành nghề kinh doanh tốc độ cao để lấy lại dần vị thế và kéo lại doanh thu của mình. Không chỉ với 1 mảng điện thoại di động như trước, Huawei cố tận dụng những cốt lõi của bản thân mình để xây dựng nên những lĩnh vực trước đó họ chưa bắt đầu phát triển.

Trong tương lai, chúng ta không thể biết được Huawei sẽ bước được đến đâu trong hành trình trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới. Nhưng với tất cả những gì hãng đã cố gắng, đây cũng có thể được xem là một bài học, một ví dụ điển hình cho những đặc tính cần có trong lĩnh vực công nghệ:

“DÁM CHẤP NHẬN sự đổi mới, thích ứng với môi trường thật nhanh để chuyển mình thay đổi”

—-------

🍀 Với 2 câu chuyện trên, đối với Sapo hiện tại chúng ta đang có hành trình như thế nào?

Thời gian gần đây, chúng ta luôn thay đổi đổi mới từ chính sách bán hàng, chính sách khuyến mãi, cách thức vận hành, truyền thông và đặc biệt gần đây nhất chính là sự kiện thay đổi gói dịch vụ bán hàng của toàn công ty.

Có thể rằng, bạn sẽ cảm thấy:

  • Chính sách bán hàng, khuyến mãi đang không phải là cái tốt nhất dành cho khách hàng của bạn
  • Các gói sản phẩm dịch vụ mới đang khiến bạn khó khăn, cũng như không phù hợp với các khách hàng mà bạn tư vấn.

Nhưng, hãy cùng nhau thấu hiểu đến từng Sapoer đang ngày đêm làm việc tại các khối phòng như Phát triển sản phẩm, Tăng Trưởng Sapo,... nhé! Vì tất cả những thay đổi này, đều đang dựa trên những con số thực tế mà chúng ta có được. Và sự thay đổi này là một quá trình trong việc nghiên cứu, kết hợp với rất nhiều yếu tố khách quan khác.

Nếu không đổi mới, chúng ta sẽ như những chiếc điện thoại Nokia năm 2000 về trước! Hãy đổi mới bản thân, tiếp cận vấn đề từ những góc nhìn khác nhau để có những phương án tốt hơn. Chắc chắn, những thay đổi ấy sẽ mang đến cho bạn các kết quả đột phá trong tương lai.

Giá trị cốt lõi số 4 - ĐỔI MỚI LIÊN TỤC